Những điểm mới về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp năm 2013

Luật sư, thạc sỹ Phạm Thanh Tuấn
Luật sư điều hành Công ty Luật TNHH Việt in

Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, nó  thể hiện ý chí và nguyện vọng người dân. Hiến pháp gồm một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Do có vai trò quan trọng như vậy, nên việc sửa đổi, bổ sung hay ban hành một bản Hiến pháp luôn là sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của mỗi quốc gia, thu hút được sự quan tâm của mọi giai tầng trong xã hội. Ngày 28/11/2013, với 97,59% số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Hiến pháp sửa đổi. Kết quả này nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của cử tri cả nước. Hiến pháp 2013 có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2014 và có nhiều điểm mới so với Hiến pháp 1992 (chỉ giữ nguyên 7 điều, bổ sung 12 điều mới và sửa đổi 101 điều). 


Trong các nội dung thay đổi của Hiến pháp năm 2013, trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin nhấn mạnh và  đề cập tới ở đây những thay đổi về  quyền con người, quyền công dân. 

Thứ  nhất, Hiến pháp mới quy định đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp năm 1992 chỉ quy định “các quyền con người được tôn trọng”, nhưng trong Hiến pháp năm 2013 (điều 14) đã nêu rõ “các quyền con người, quyền công dân… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Sự hiến định này cho thấy, quyền con người là quyền tự nhiên và Nhà nước từ công nhận còn tôn trọng và bảo vệ, bảo đảm quyền con người.


Thứ  hai
, Hiến pháp mới đã phân định rõ ràng, tách bạch giữa quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp năm 1992, mặc dù ghi nhận quyền con người, nhưng các quyền con người lại được thể hiện thông qua quyền công dân. Điều này dẫn đến rất khó khăn khi cần xác định đâu là quyền con người để thể chế hóa quy định của Hiến pháp cũng như có những biện pháp nhằm bảo đảm để người dân thực hiện quyền của mình. Do đó, để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân cho tương xứng với phạm vi của các quyền này, Hiến pháp mới đã có sự phân định rõ đâu là quyền con người, đâu là quyền công dân. Ở những quy định nêu “mọi người có quyền” thì đó là thể hiện quyền con người, còn chỗ nào ghi “công dân có quyền” thì đó là thể hiện quyền công dân. Trong hiến pháp của bất cứ quốc gia dân chủ nào, quyền con người, quyền công dân đều là nội dung quan trọng hàng đầu. Do vậy, Hiến pháp nước ta lần này có quy định riêng về quyền con người, quyền công dân là một bước tiến lớn so với Hiến pháp năm 1992.


Thứ  ba, Hiến pháp mới xác định rất rõ nguyên tắc quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng (Khoản 2, Điều 14). Ở điểm này có hai nội dung mới. Một là, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng chứ không thể vì lý do khác. Hai là, việc hạn chế phải do quy định của pháp luật, tức là phải quy định trong các đạo luật cụ thể do Quốc hội ban hành chứ không thể tùy tiện.

Thứ  tư, Hiến pháp mới đã bổ sung, quy định rõ hơn các quyền con người, quyền công dân như quyền sống (điều 19), quyền hiến mô, bộ phận người và hiến xác (điều 20), quyền sở hữu tư nhân (điều 32), quyền được bảo vệ sức khỏe, quyền bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế (điều 38), quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, quyền tham gia vào đời sống văn hóa và sử dụng các cơ sở văn hóa (điều 41), quyền xác định dân tộc của mình, quyền sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ và tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp (điều 42), quyền sống trong môi trường trong lành, quyền bảo đảm an sinh xã hội (điều 43).

Thứ  năm
, bên cạnh việc kế thừa, Hiến pháp mới đã xác định chính xác, đầy đủ hơn một số quyền con người, quyền công dân, đồng thời cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền này. Chẳng hạn, bên cạnh việc quy định mọi người bình đẳng trước pháp luật thì Hiến pháp cũng quy định rõ: Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (điều 16); công dân Việt Nam không thể bị trục xuất, giao nộp cho nhà nước khác (điều 17); mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm (điều 33). Liên quan tới quyền lao động, Hiến pháp mới quy định rõ công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc (điều 35).


Thứ  sáu,
Hiến pháp mới bổ sung và quy định rõ hơn quyền của các nhóm đối tượng đặc thù như trẻ em, thanh niên, người cao tuổi. Cụ thể, Hiến pháp quy định rõ, trẻ em có quyền được tham gia vào các vấn đề liên quan tới trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em (điều 37); người cao tuổi được Nhà nước, gia đình và xã hội tôn trọng, chăm sóc và phát huy vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (điều 37).


Thứ  bảy, Hiến pháp mới xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, công dân trong việc thực hiện quyền con người, quyền công dân là phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc (điều 15).


Thứ  tám, với việc chuyển vị trí chương quy định về vấn đề này từ ở chương 5 trong Hiến pháp năm 1992 lên chương 2 ngay sau chương quy định về chế độ chính trị trong Hiến pháp mới, đã thể hiện rõ quan điểm coi trọng vấn đề quyền con người, quyền công dân của Đảng, Nhà nước ta. Ở đây không chỉ đơn thuần là chuyển vị trí mà thể hiện tinh thần lập hiến, các quy định của Hiến pháp đều phải xuất phát trên nguyên tắc ghi nhận và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.


Ngoài các quy định về  quyền con người, quyền công dân tại Chương 2, trong các chương khác của Hiến pháp cũng có nhiều điều, khoản thể hiện nội hàm quyền con người, quyền công dân. Nếu nói về dung lượng, ai cũng có thể nhìn thấy, quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp mới nhiều hơn hẳn so với Hiến pháp năm 1992. Cụ thể, Hiến pháp mới có tổng số 120 điều, thì 36 điều trong số đó quy định về quyền con người và quyền công dân. Trong Hiến pháp năm 1992, mặc dù tổng số điều của Hiến pháp nhiều hơn, 147 điều, nhưng chỉ có 34 điều quy định về quyền con người, quyền công dân. Điều này cũng cho thấy, Đảng và Nhà nước ta quan tâm đặc biệt việc công nhận, tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân.


Như vậy, so với Hiến pháp năm 1992, có thể nói, Hiến pháp mới  đã làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình 30 năm đổi mới ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên, như Tuyên ngôn về Quyền con người của Liên hợp quốc (UDHR), Công ước về Các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Công ước về Các quyền kinh tế, văn hóa, xã hội (ICESCR).

Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi là một dấu ấn có  tính lịch sử quan trọng của kỳ họp Quốc hội lần này. Với kết quả, thành công đạt được trong đó có việc thông qua Hiến pháp sửa đổi tại kỳ họp Quốc hội lần này, theo chúng tôi đây là một trong những động lực, công cụ quan trọng thúc đẩy sự phát triển thành công của đất nước. Chúng tôi tin tưởng rằng trong thời gian sắp tới bản Hiến pháp mới sẽ được thi hành hiệu quả và được phổ biến tuyên truyền đến mọi cử tri để người dân nắm vững Hiến pháp.

(lưu ý: bài viết chỉ là quan điểm cá nhân của luật sư, không có bất cứ mục đích nào khác ngoài việc cung cấp thông tin cho người truy cập vào web sites. Trường hợp bài viết có vi phạm quyền tác giả hoặc có những điều chưa phù hợp, xin vui lòng liên hệ lại với tác giả qua hòm thư tuan.pham@vietinlaw.com.vn)